Đế chế nail Việt, tên gọi mà báo giới Mỹ thường nhắc đến khi đề cập đến nghề nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, những đạo luật gần đây đã khiến “đế chế” này lâm vào khó khăn.
Ngành công nghiệp chăm sóc, sơn sửa móng tay, móng chân (nail) – ngành công nghiệp mang lại doanh thu gần 7 tỷ USD ở Mỹ. Các con số thống kê cho thấy số người Việt làm nail chiếm gần một nửa tổng số người làm nghề này ở Mỹ.
Trong số 1.868 tiệm nail có đăng ký ở bang Florida, có tới 1.152 cửa hàng do người Việt làm chủ.
Các tiệm Nail tập trung nhất là các thành phố California, Texas, Louisiana. Chỉ riêng ở Texas, theo các cơ quan chức năng ở đây đã có khoảng hơn 5.000 tiệm nail với 25.000 nhân viên đang hành nghề.
Theo thống kê tháng 3/2010 thì người Việt có 73.164 cửa hàng với số nhân công 374.345 người, và có 5 thành phố lớn có nhiều cửa hàng nhất là Houston (862), New York (796), Los Angeles (460), Miami (279) và San Francisco (302).
Trên toàn nước Mỹ có khoảng 150.000 người Việt có giấy phép làm việc trong ngành công nghiệp này, và người Việt đang điều hành khoảng 27.000 tiệm nail trong tổng số 60.000 tiệm nail
Người Việt không chỉ cặm cụi làm đẹp móng tay, chân cho khách mà còn mở thêm cửa hàng cung cấp vật liệu, hóa chất, dụng cụ cho các tiệm nail. Với bản chất vốn khéo léo, chịu khó, người Việt đã nhanh chóng làm chủ thị trường béo bở này.
Nghề nail (nghề làm móng) gần như là dành cho người Việt trên đất Mỹ. Theo thống kê từ tờ Nail Magazine số người Việt có chiếm đến 55- 65 phần trăm trong tổng số người có bằng nail toàn nước Mỹ. Tại một số vùng có đông người Việt, các tiệm nail do người Việt làm chủ có khi lên đến trên 90 phần trăm.
Có không ít người đã trở thành triệu phú nhờ nghề nail, nhiều người sở hữu hàng chuỗi tiệm nail, thuê mướn nhân công, chủ yếu là người gốc châu Á. Các tiệm nail của người Việt giờ đây còn chen chân được vào hệ thống siêu thị Wal-Mart, với 850 tiệm hoạt động tại hệ thống cửa hàng khổng lồ này. Theo số liệu của Bộ Lao động, lương trung bình của người làm nail là 9,56 USD một giờ. Tính tổng cộng, thu nhập trung bình của người làm nail là từ 25.000 đến 30.000 USD, có người tới 60.000 USD một năm.
Sự có mặt của người Việt trong nghề nail đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ này, cũng như làm thay đổi thói quen của nhiều người Mỹ, góp phần làm phong phú ngành dịch vụ thẩm mỹ trị giá hơn 33 tỷ USD ở nước này.
Nếu như trước đây, người Việt chiếm lĩnh thị phần ngành công nghiệp này bằng những yếu tố chiều khách giỏi, kinh doanh linh động nhạy bén, biết vận dụng các chiến lược cạnh tranh khôn khéo, và đặc biệt là giá cả thì nay, người Việt còn minh chứng khả năng chiếm lĩnh thị trường bằng nghệ thuật design móng tuyệt hảo. Đó là lí do cụm từ nail art ngày càng phổ biến, khi mỗi chiếc móng được người Việt tạo tác thành một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí người Việt còn tạo ra những mẫu móng 3D, có gắn đá, pha lê và nhiều vật liệu trang sức.
Nếu thống kê ở Mỹ những năm gần đây cho thấy ba nghề được xem là có lương cao nhất ở đất nước này, đều liên quan đến y khoa là các bác sĩ, những nhà phẫu thuật và kế đó là những nha sĩ, với mức lương chung dao động trong khoảng $120.000 – $ 145.000 / 1 năm, thì có lẽ nghề nail (nếu là thợ khá và lành nghề) có mức lương khoảng $24.000 – $42.000/ 1 năm, còn là chủ thu nhập thường vào khoảng từ $72.000 – $150.000/1 năm, thì xem ra thu nhập nghề nail có thể sống được ở mức kha khá.
Đế chế lung lay vì luật
Ngành công nghiệp nail của người Việt tại bang California bắt đầu lâm vào khó khăn từ đầu năm 2008 khi tiểu bang này ban hành đạo luật điều chỉnh hoạt động nghề nail, đạo luật có tên đầy đủ là Luật tạm treo bằng hành nghề nail ngay lập tức. Theo đạo luật này, kể từ đầu năm 2008, các nhân viên thanh tra của Hội Đồng Nail và Tóc (Board of Barbering and Cosmetology) có thẩm quyền treo bằng hành nghề của các nhân viên hay cơ sở ngành nail hay tóc ngay lập tức trong một số trường hợp đặc biệt. Những trường hợp đặc biệt đó gồm: Có bệ làm móng tay móng chân, bể hay bồn trông không sạch; có các vật liệu chùi rửa không đúng mức khử trùng hay vệ sinh hóa các thiết bị móng tay móng chân; không có sổ ghi những lần chùi rửa thiết bị móng chân hay móng tay; đã từng vi phạm nhiều lần về sức khỏe và an toàn liên quan đến thiết bị móng tay hay móng chân; có dụng cụ làm móng tay móng chân không sạch.
Ngoài việc có thể bị tạm treo bằng, còn nhiều qui định khác khiến các chủ hiệu nail rất dễ bị phạt. Và mức phạt cho mỗi lần vi phạm là khá nặng.
Song đáng tiếc khá nhiều trường hợp bị phạt bởi những nguyên nhân không đáng có. Thậm chí, nhiều người còn bị phạt một cách oan uổng. Thứ nhất, phần đông người Việt hành nghề nail không thạo tiếng Anh, bởi thế không nắm rõ những yêu cầu mà luật đặt ra với chính cửa hàng của mình. Một nguyên nhân khác, là luật mới chỉ qui định một cách tổng quát mà không đi vào chi tiết. Do đó, thanh tra có thể đưa ra những đòi hỏi quá khắt khe. Chẳng hạn như luật buộc khăn sạch phải để riêng trong một ngăn, tuy nhiên, thanh tra kiểm tra thấy khăn không được xếp gọn cũng phạt, mặc dù đó là khăn sạch. Lại có chủ tiệm bị phạt 100 USD chỉ vì không viết chữ “đã rửa sạch” lên một cục đá mài, cho dù cục đá mài này mới toanh, chưa một lần được sử dụng.
Sau khi luật được áp dụng, đã có nhiều cơ sở hành nghề nail của người Việt bị phạt vì các vi phạm. Một số hiệu còn buộc phải đóng cửa vì mức phạt quá nặng.
Đó là lí do khiến khoảng 400 chủ tiệm nail tại bang California tập hợp nhau lại để tìm cách bảo vệ nghề nghiệp của mình. Sau một cuộc họp sôi nổi tại TP. Westminter, những chủ tiệm người Việt hành nghề nail đã thống nhất thành lập Hiệp hội những người Việt tại Mỹ hành nghề nail và tóc. Hiệp hội này nhận được sự cố vấn của các luật sư có tiếng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ là Nguyễn Quốc Lân và Dina Nguyễn.
Những thành viên của Hiệp hội sẽ giúp đỡ nhau học hỏi cách thức gìn giữ sạch sẽ, bảo trì trang cụ hợp với tiêu chuẩn vệ sinh theo luật lệ hiện hành, đặc biệt là đấu tranh chống lại việc lạm dụng luật mới của một số quan chức chính quyền.